16:18 09/06/2021
Đề án khai thác đá vôi tại Phú Thọ
Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản mới đây đã thẩm định đề án thăm dò mở rộng mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Thăm dò đá vôi nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất xi măng
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xi măng Vicem Sông Thao, chủ đầu tư của đề án cho biết: Để có nguồn nguyên liệu đá vôi cung cấp cho nhà máy xi măng Sông Thao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép khai thác 907/GP-BTNMT ngày 14/06/2007 cho phép Công ty khai thác mỏ đá vôi Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Sau gần 10 năm khai thác, đến nay, mỏ đá vôi được cấp phép có trữ lượng đá vôi đạt yêu cầu kỹ thuật, đủ điều kiện để đưa vào sản xuất còn lại hơn 2 triệu tấn, chỉ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất xi măng khoảng 2 năm.
 Nguyên nhân dẫn đến trữ lượng đá vôi làm xi măng giảm so với trữ lượng trong giấy phép được cấp do trữ lượng đá kẹp (đá vôi dolomit, đá phiến sét đen) tăng lên và có khoảng 4ha (trữ lượng khoảng 3,6 triệu tấn) gần Nhà thờ Giáo sứ Đồng Xa nên không thể khai thác. Trong quá trình sản xuất đến năm 2019, Công ty đã thực hiện cải tiến công nghệ, phối liệu để tận dụng đá vôi dolomit, đá phiến sét đen sử dụng làm phụ gia xi măng.

Moong khai thác đá vôi xi măng mỏ Ninh Dân
 

Vì vậy, để có nguồn nguyên liệu đá vôi cung cấp cho nhà máy xi măng Sông Thao hoạt động lâu dài, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản chấp thuận về việc mở rộng thăm dò, khai thác mỏ đá vôi xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, đồng thời báo cáo Bộ Xây Dựng. Căn cứ vào công văn số 1726/BXD – VLXD ngày 15/4/2020 của Bộ Xây Dựng; Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 488/TTg-CN ngày 29/4/2020 về việc bổ sung mỏ đá vôi tại xã Ninh Dân (diện tích 31,3ha), huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch khoáng sản làm xi măng để Công ty cổ phần xi măng Vicem Sông Thao thực hiện xin cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản.
Theo ông Lê Văn Huấn - Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và khoáng sản Hà Thành, đơn vị tư vấn, đề án thăm dò mở rộng mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ nhằm đánh giá chất lượng, tính trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng và điều kiện khai thác mỏ trong phạm vi diện tích 31,3 ha. Đề án đặt mục tiêu tổng trữ lượng đá vôi xi măng cấp 121 + 122 là 30,076 triệu tấn, trong đó trữ lượng cấp 121 là 3,271 triệu tấn.
Ông Lê Văn Huấn cho biết: Trong quá trình lập đề án, tập thể tác giả đã tiến hành công tác khảo sát thực địa, thu thập tài liệu địa chất và các tài liệu kinh tế - xã hội của khu vực thăm dò và các khu vực lân cận hiện nay. Đề án được thành lập trên cơ sở tài liệu địa chất - khoáng sản của báo cáo kết quả thành lập Bản đồ Địa chất và Khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 tờ Phú Thọ do Liên đoàn Địa chất Tây Bắc thành lập năm 2000 và kết quả khảo sát lập đề án của tổ kỹ thuật Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và khoáng sản Hà Thành tháng 1/2020.
Trên cơ sở kinh nghiệm thực tế thăm dò và áp dụng có hiệu quả trong các đề án thăm dò nhiều mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng trước đây, đơn vị lựa chọn hệ phương pháp thăm dò lộ trình địa chất, trắc địa, khoan, hào, công tác địa chất thủy văn - địa chất công trình, lấy và phân tích các loại mẫu. Kết quả thăm dò sẽ làm rõ sự tồn tại và phân bố của đá vôi làm nguyên liệu xi măng, đánh giá được chất lượng và trữ lượng đá vôi theo mục tiêu đề ra, làm cơ sở tin cậy cho việc xây dựng dự án khai thác chế biến của Công ty.
Giải trình cụ thể các góp ý của thành viên Hội đồng
Ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia đánh giá, đề án được thành lập cơ bản phù hợp với các quy định pháp luật về khoáng sản; hệ phương pháp thăm dò, khối lượng được thiết kế cơ bản phù hợp với cấu trúc địa chất của khu vực thăm dò và đối tượng thăm dò, để đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi làm xi măng và các khoáng sản đi kèm. Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn nên xem lại tên đề án, không nên dùng cụm từ “thăm dò mở rộng”; nên bổ sung mẫu công nghệ để xác định mức độ sử dụng của các lớp kẹp phi nguyên liệu.
Về vấn đề này, Chủ đầu tư và nhóm tác giả lập đề án đã giải trình cụ thể: Tên đề án sử dụng từ “mở rộng” vì khu vực xin thăm dò khai thác có ranh giới tiếp giáp với mỏ hiện trạng đã được cấp phép. Khi thực hiện mở rộng sẽ tận thu được trữ lượng khoáng sản giáp ranh của hai mỏ. Hiện tại, Nhà máy đã đưa vào hoạt động và sản xuất được hơn 10 năm, việc sử dụng đá vôi có hàm lượng CaO phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất xi măng được vận dụng linh hoạt, nên việc bổ sung mẫu công nghệ đã được thực hiện thường xuyên trong quá trình khai thác đá để đưa vào sản xuất của Chủ đầu tư.
Theo ông Lê Văn Lượng - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, nội dung đề án theo đúng quy định; cơ sở tài liệu lập đề án đầy đủ; đã khảo sát khu vực thăm dò. Ông Lượng đề nghị xem xét thiết kế khoan xiên.
Đối với vấn đề này, nhóm tác giả lập đề án giải trình: “Mạng lưới thăm dò để tính toán các cấp trữ lượng của Đề án đã được lập theo đúng tiêu chuẩn, quy phạm về thăm dò được quy định tại quyết định số 26/2007/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua khảo sát tại các taluy (sườn dốc, mái dốc, những con dốc nghiêng) khai thác vị trí giáp ranh của khu vực thăm dò mở rộng góc dốc của đá từ 40 - 450, vì vậy phương pháp khoan thẳng đứng cũng phản ánh đầy đủ cấu trúc địa chất. Theo yêu cầu kỹ thuật, với đá có góc dốc lớn hơn 500 mới thực hiện, xem xét thiết kế khoan xiên.
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định, đề án đã thu thập đầy đủ tài liệu địa chất và khoáng sản để lập đề án; đề án đã lập theo đúng quy định; phương pháp, khối lượng thiết kế đủ và phù hợp với đặc điểm địa chất mỏ…, phương pháp tính trữ lượng, các chỉ tiêu tính; số liệu dự kiến có tính khả thi; cơ sở pháp lý đầy đủ.
Tuy nhiên, đề án vẫn còn một số nhược điểm cần lưu ý. Ông Nguyên đề nghị Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn làm rõ khả năng thi công bản đồ địa chất 1/2000; rà soát lỗi chính tả, thuật ngữ chuyên môn cả trong thuyết minh và bản vẽ…
Nhóm tác giả lập đề án đã tiếp thu ý kiến của ông Nguyễn Văn Nguyên và chỉnh sửa, hoàn thiện đề án theo đúng quy định.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản và các thành viên Hội đồng đã thông qua có chỉnh sửa đề án trên. Thứ trưởng yêu cầu Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chú ý thể hiện các bản vẽ hợp lý, đúng với tên gọi và đúng với nguyên lý của bản vẽ.

Nguồn: Mai Đan (Báo Tài nguyên & Môi trường)